Căng thẳng leo thang Chiến_tranh_nha_phiến_lần_thứ_nhất

Triệt phá đường dây buôn bán thuốc phiện

Đến năm 1838, người Anh đã bán khoảng hơn 1.400 tấn thuốc phiện mỗi năm cho Trung Quốc. Hợp pháp hóa buôn bán thuốc phiện là chủ đề của cuộc tranh luận đang diễn ra trong chính quyền Trung Quốc, nhưng một đề xuất hợp pháp hóa chất ma túy đã liên tục bị từ chối, và vào năm 1838, chính phủ bắt đầu tích cực tuyên án những kẻ buôn bán ma túy Trung Quốc.

Năm 1839, Hoàng đế Đạo Quang bổ nhiệm Lâm Tắc Từ vào chức vụ Khâm sai đặc biệt với nhiệm vụ diệt trừ buôn lậu thuốc phiện. Sau khi lãnh trách nhiệm lập tức điều tra việc nhập hàng lậu tại Quảng Ðông, cùng giao cho Tổng đốc, Tuần phủ tra bắt gian thương. Vào ngày 10/3/1839, Lâm Tắc Từ ban ra 2 đạo dụ đưa cho người ngoại quốc, nội dung buôn thuốc phiện là tội, lệ cấm rất nghiêm, không thể buôn lén; các phà chở nha phiến phải mang nộp quan, không được tàng trữ chút nào. Lại đưa ra bản cam kết bằng chữ Hán và chữ nước ngoài, cam đoan “Từ nay thuyền đến không được chở kèm nha phiến; nếu mang đến, một khi bắt được, hàng hóa phải nạp quan, bản thân chịu tội chết, thuận tình cam chịu tội”. Ông nhấn mạnh pháp luật phải thi hành “Nếu một ngày chưa hết nha phiến, thì bản Ðại thần chưa trở về; thề thủy chung với công việc này, không có lý gì để dừng lại.” Gần 100 năm nay, chính phủ Trung Quốc đối với việc thông thương với Tây phương, chưa bao giờ kiên quyết như vậy.

Lâm Tắc Từ đã viết một bức thư ngỏ tới Nữ hoàng Victoria đặt câu hỏi về lý luận đạo đức của chính phủ Anh. Trích dẫn những gì ông hiểu là sự cấm đoán nghiêm ngặt đối với thương mại trong Vương quốc Anh, ông Lâm đặt câu hỏi về chuẩn mực đạo đức của Anh về việc những thương nhân Anh buôn bán một mặt hàng rõ ràng bị cấm ở chính quốc họ. Ông viết: "Bệ hạ trước đây chưa được thông báo về vấn đề này một cách chính thức và người có thể biện hộ cho sự thiếu hiểu biết về mức độ nghiêm trọng trong luật pháp của chúng tôi, nhưng giờ đây tôi đảm bảo rằng chúng tôi sẽ triệt hủy thứ thuốc có hại này mãi mãi." Nội dung chiếu hội trình bày việc thông thương cần có lợi cho hai bên, không thể “dùng vật hại người để mưu cầu không chán”. Nước Anh cấm nha phiến rất nghiêm, đã biết rõ cái hại của nha phiến; vậy không thể chuyển sang hại Trung Quốc, và “Người ta giết một mạng người, thì phải đền mạng, huống hồ nha phiến hại người, nào chỉ một mạng!”. Xét theo đạo đức thì lập luận của Lâm Tắc Từ không sai vào đâu; nhưng theo quan điểm vụ lợi của Tây phương thì lời khuyên của ông chỉ là vô nghĩa.

Bức thư này chưa từng được chuyển tới Nữ hoàng, với một nguồn cho rằng nó đã bị mất trong quá trình quá cảnh. Lâm Tắc cam kết rằng sẽ không có gì khiến ông rời bỏ nhiệm vụ, "Nếu buôn bán thuốc phiện không dừng lại vài thập kỷ kể từ bây giờ, chúng ta sẽ không chỉ mất hết binh lính để chống lại kẻ thù, mà còn không có bạc để chu cấp cho quân đội." ông Lâm ra lệnh cấm thuốc phiện và yêu cầu tất cả các nguồn cung cấp thuốc phải giao nộp lại cho nhà cầm quyền Trung Quốc. Ông cho phong tỏa cửa sông Châu Giang, bắt giữ các thương nhân người Anh ở Quảng Châu. Cùng với việc thu giữ các kho dự trữ thuốc phiện trong nhà chứa và mười ba nhà máy, quân đội Trung Quốc lên tàu của Anh ở sông Châu Giang và Biển Đông để tiêu hủy số hàng nha phiến trên tàu.

Lâm Tắc Từ giám sát việc thiêu hủy thuốc phiện

Tổng Giám đốc Thương mại Anh tại Trung Quốc, Charles Elliot, đã phản đối quyết định cưỡng chế các kho dự trữ thuốc phiện. Ông ra lệnh cho tất cả các tàu chở thuốc phiện chạy trốn và chuẩn bị cho chiến trận. Lâm Tắc Tứ đã đáp trả bằng cách bao vây các đại lý nước ngoài ở khu vực ngoại quốc của tỉnh Quảng Châu và ngăn cản liên lạc với các tàu của họ neo đậu tại cảng. Để xoa dịu tình hình, Elliot đã thuyết phục các thương nhân người Anh hợp tác với chính quyền Trung Quốc và giao nộp kho thuốc phiện của họ với lời hứa rằng chính phủ Anh sẽ bồi thường cho thiệt hại này. Trong khi điều này là sự thừa nhận ngầm rằng chính phủ Anh không bất đồng với việc buôn bán thuốc phiện, thì nó cũng đặt một áp lực rất lớn lên tài chính quốc gia. Lời hứa này và sự bất lực của chính phủ Anh trong việc trả nó mà không gây ra một cơn bão chính trị, là một casus belli quan trọng cho cuộc tấn công tiếp theo của Anh. Vào tháng 4 và tháng 5 năm 1839, các đại lý của Anh và Mỹ đã giao nộp 20.283 rương và 200 bao thuốc phiện. Kho dự trữ đã bị phá hủy công khai trên bãi biển bên ngoài tỉnh Quảng Châu.

Sau khi đống thuốc phiện bị tịch thu, thương mại được khởi động lại với điều kiện nghiêm ngặt là không còn thuốc phiện nào được vận chuyển vào Trung Quốc. Tìm cách để giám sát nền ngoại thương và thanh trừng tham nhũng, Lâm và các cố vấn của ông quyết định cải tổ hệ thống trái phiếu hiện có. Theo hệ thống này, một thuyền trưởng nước ngoài và thương gia công hành, người đã mua hàng hóa từ tàu sẽ thề rằng tàu không mang hàng hóa bất hợp pháp Khi kiểm tra hồ sơ của cảng, Lâm đã rất tức giận khi thấy rằng trong 20 năm kể từ khi thuốc phiện được tuyên bố là bất hợp pháp, không có một vi phạm nào được báo cáo. Do đó, Lâm yêu cầu tất cả các thương nhân nước ngoài và các quan chức nhà Thanh ký một bộ luật mới thề rằng sẽ không buôn bán thuốc phiện nêu không sẽ bị hình phạt tử hình. Chính phủ Anh phản đối việc đạo luật này, cảm thấy rằng nó vi phạm nguyên tắc thương mại tự do, nhưng một số thương nhân không buôn bán thuốc phiện (như Olyphant & Co.) sẵn sàng ký chống lại lệnh của Elliot. Buôn bán hàng hóa thường xuyên tiếp tục không suy giảm, và sự khan hiếm thuốc phiện gây ra bởi việc chiếm giữ các kho hàng nước ngoài khiến thị trường chợ đen phát triển mạnh mẽ. Một số tàu buôn mới đến đã có thể biết về lệnh cấm thuốc phiện trước khi họ vào cửa sông Châu Giang, và vì vậy họ dỡ hàng hóa tại đảo Lintin. Cơ hội tạo ra bởi giá thuốc phiện tăng mạnh đã bị để mắt tới bởi một số nhà buôn và người buôn lậu công hành, những người có thể trốn tránh các nỗ lực của khâm sai Lâm và buôn lậu thuốc phiện vào Trung Quốc. Giám thị Elliot nhận thức được các hoạt động của những kẻ buôn lậu tại Lintin và bị ra lệnh ngăn chặn chúng, nhưng ông lại sợ rằng bất kỳ động thái nào của Hải quân Hoàng gia có thể gây ra một cuộc chiến và do đó ông không muốn can thiệp.

Đụng độ tại Cửu Long

Đầu tháng 7 năm 1839, một nhóm thủy thủ thương gia người Anh ở Cửu Long say xỉn sau khi uống rượu mùi gạo. Hai trong số người thủy thủ này đã trở nên quá khích và đánh chết Lâm Weixi, một người dân trú tại làng Tiêm Sa Chủy gần đó. Elliot đã ra lệnh bắt giữ hai kẻ giết người đó, và trả tiền bồi thường cho gia đình và làng của Lâm. Tuy nhiên, ông từ chối yêu cầu bàn giao các thủy thủ lại cho chính quyền Trung Quốc, vì sợ rằng họ sẽ bị tử hình theo luật pháp Trung Quốc. Khâm sai Lâm Tắc Từ coi đây là một chướng ngại công lý, và ra lệnh phải giao nộp hai người thủy thủ. Thay vào đó, Elliot đã tổ chức một phiên tòa xét xử cho hai phạm nhân trên một chiếc chiến hạm trên biển, với chính ông là thẩm phán và thuyền trưởng của tàu làm bồi thẩm. Ông mời chính quyền nhà Thanh quan sát và bình luận về quá trình tố tụng, nhưng lời đề nghị bị từ chối.[86] Tòa án hải quân đã kết án 5 thủy thủ tội tấn công và bạo loạn, và phạt tiền cùng với lao động nặng nhọc ở Anh (bản án này sau đó bị lật lại tại các tòa án ở Anh).

Phẫn nộ vì hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, Lâm rút lại những người lao động Trung Quốc tại Ma Cao và ban hành sắc lệnh ngăn chặn việc bán thực phẩm cho người Anh. Các tàu chiến Trung Quốc được triển khai đến cửa sông Châu Giang, trong khi các biển hiệu được đặt và tin đồn lan truyền rằng họ đã đầu độc các suối nước ngọt truyền thống được sử dụng để phục hồi các tàu buôn nước ngoài. Vào ngày 23 tháng 8, con tàu thuộc về một thương nhân buôn thuốc phiện nổi tiếng đã bị tấn công bởi những tên cướp biển Lican khi đang đi xuôi dòng từ Quảng Châu đến Ma Cao. Người Anh tin rằng lính Trung Quốc chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công và Elliot đã ra lệnh cho tất cả các tàu của Anh rời khỏi bờ biển Trung Quốc trước ngày 24 tháng 8. Cùng ngày đó, Ma Cao cấm các tàu của Anh ra khỏi cảng theo yêu cầu của Lâm. Khâm sai đã đến thành phố trực tiếp, nơi ông được một số người dân chào đón như một anh hùng đã giúp khôi phục luật pháp và trật tự. Cuộc tẩu thoát khỏi Ma Cao đảm bảo rằng đến cuối tháng 8, hơn 60 tàu của Anh và hơn 2000 người giờ đang trôi nổi trên thuyền ở ngoài khơi Trung Quốc, nhu yếu phẩm cạn kiệt nhanh chóng. Vào ngày 30 tháng 8, HMS Volage đến để bảo vệ hạm đội khỏi một cuộc tấn công tiềm tàng của Trung Quốc và Elliot cảnh báo chính quyền nhà Thanh ở Cửu Long rằng lệnh cấm vận đối với thực phẩm và nước phải sớm được chấm dứt.

Sáng sớm ngày 4 tháng 9, Elliot phái một thuyền buồm dọc được vũ trang và thuyền một buồm đến Cửu Long để mua lương thực từ nông dân Trung Quốc. Hai chiếc tàu đã tiếp cận với ba tàu chiến Trung Quốc tại bến cảng và xin phép cho người xuống để mua đồ tiếp tế. Người Anh được cho phép thông qua và các nhu yếu phẩm cơ bản được cung cấp cho người Anh bởi các thủy thủ Trung Quốc, nhưng chỉ huy pháo đài Cửu Long không cho phép người dân địa phương giao dịch với người Anh và giam giữ người dân trong khu định cư. Tình hình ngày càng căng thẳng hơn khi ngày tiếp tục, và vào buổi chiều Elliot đưa ra tối hậu thư rằng, nếu người Trung Quốc không cho phép người Anh mua đồ tiếp tế, họ sẽ khai hỏa. Thời hạn 3:00 chiều do Elliot đặt ra bị bỏ qua và các tàu của Anh đã nổ súng vào các tàu Trung Quốc. Tàu Trung Quốc bắn trả, và pháo Trung Quốc trên đất liền bắt đầu nã vào các tàu của Anh. Màn đêm buông xuống, tàu Trung Quốc tháo chạy, kết thúc trận Cửu Long. Nhiều sĩ quan Anh muốn tiến hành một cuộc đột kích trên bộ vào pháo đài Cửu Long ngày hôm sau, nhưng Elliot đã quyết định chống lại nó, nói rằng một hành động như vậy sẽ gây ra "thương tích và uất ức lớn" cho cư dân của thị trấn. Sau cuộc giao tranh, Elliot lưu hành một bài báo ở Cửu Long, có nói;

Người Anh Quốc không muốn gì ngoài hòa bình; nhưng họ không thể bị đầu độc và bỏ đói. Những chiến hạm Đế Quốc không muốn quấy rầy hay cản trợ; nhưng chúng không thể ngăn cấm người ta buôn bán. Bỏ đói con người là một hành động không có thiện ý và thù địch.[28]

Sau khi đánh đuổi tàu Trung Quốc, hạm đội Anh bắt đầu mua các nhu yếu phẩm từ dân làng địa phương, thường với sự trợ giúp của các quan chức Trung Quốc bị mua chuộc ở Cửu Long. Lại Ân Tước, chỉ huy địa phương tại Cửu Long, tuyên bố rằng một chiến thắng đã giành được trước người Anh. Ông khẳng định rằng một tàu chiến hai buồm của Anh đã bị đánh chìm, và 40-50 người Anh đã bị giết. Ông cũng báo cáo rằng người Anh đã không thể có được nguồn tiếp tế, nhưng báo cáo này lại thiếu chính xác ở chỗ nó quá coi thường sức mạnh Hải quân Hoàng gia.

Trận Xuyên Tỵ lần thứ nhất

Vào cuối tháng 10 năm 1839, tàu buôn Thomas Coutts đã đến Trung Quốc và dong buồm đến Quảng Châu. Các thành viên Giáo Hữu Hội của Thomas Coutts không buôn bán thuốc phiện do họ theo tôn giáo, một thực tế mà chính quyền Trung Quốc đã biết. Thuyền trưởng của tàu, Warner, tin rằng Elliot đã vượt quá thẩm quyền pháp lý khi cấm thương nhân ký kết điều khoản "không buôn bán thuốc phiện", và đàm phán với Tuần phủ Quảng Châu. Warner hy vọng rằng tất cả các tàu của Anh không mang thuốc phiện có thể dỡ hàng hóa hợp pháp tại Xuyên Tỵ, một hòn đảo gần Hổ Môn.

Để ngăn chặn các tàu khác của Anh làm theo tiền lệ của con tàu Thomas Coutts, Elliot đã ra lệnh phong tỏa vận chuyển của Anh ở sông Châu Giang. Giao tranh bắt đầu vào ngày 3 tháng 11 năm 1839, khi một con tàu thứ hai của Anh, Royal Saxon, đang đi đến Quảng Châu. HMS Volage và HMS Hyacinth của Hải quân Hoàng gia Anh đã nổ súng cảnh cáo Royal Saxon. Để đáp lại sự hỗn loạn này, một hạm đội tàu mảnh Trung Quốc dưới sự chỉ huy của Quan Thiên Bồi đã ra khơi để bảo vệ con tàu Royal Saxon. Trận Xuyên Tỵ lần thứ nhất sau đó đã dẫn đến sự huỷ diệt của 4 con tàu mảnh và sự rút lui của cả hai hạm đội. Báo cáo chính thức của hải quân nhà Thanh về Trận Xuyên Tỵ tuyên bố rằng họ đã thành công trong việc bảo vệ tàu buôn Anh và báo cáo một chiến thắng vang dội. Trên thực tế, tàu của họ lỗ thời hơn hẳn tàu Anh và nhiều tàu Trung Quốc cũng bị vô hiệu hóa. Elliot báo cáo rằng hải đoàn của ông đang bảo vệ 29 tàu Anh ở Xuyên Tỵ, và đang chuẩn bị cho một cuộc phản công của nhà Thanh. Lo sợ rằng Trung Quốc sẽ từ chối bất kỳ sự liên lạc nào với người Anh và sẽ tấn công với bè lửa, ông ra lệnh cho tất cả các tàu rời khỏi Xuyên Tỵ và tiến tới Đồng La Loan, cách Ma Cao 20 dặm (30 km), hy vọng rằng khu vực neo đậu ngoài khơi sẽ xa khỏi tầm với của Lâm. Elliot đã yêu cầu Adrião Acácio da Silveira Pinto, thống đốc Ma Cao người Bồ Đào Nha, cho phép các tàu của Anh dỡ hàng hóa của họ ở đó để đổi lấy tiền và bất kỳ nghĩa vụ nào. Thống đốc đã từ chối vì sợ rằng Trung Quốc sẽ ngừng cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho Ma Cao, và vào ngày 14 tháng 1 năm 1840, Hoàng đế Đạo Quang đã yêu cầu tất cả các thương nhân nước ngoài ở Trung Quốc ngừng hỗ trợ cho người Anh.

Phản ứng tại Anh

Tranh luận của quốc hội

Sau cuộc đàn áp của Trung Quốc về buôn bán thuốc phiện, các cuộc thảo luận đã nảy sinh về cách Anh sẽ phản ứng, vì công chúng ở Hoa Kỳ và Anh trước đây đã bày tỏ sự phẫn nộ rằng chính phủ Anh dám dung túng việc buôn bán thuốc phiện.Nhiều công dân Anh đồng cảm với người Trung Quốc và muốn ngăn chặn việc bán thuốc phiện, trong khi những người khác muốn kiềm chế hoặc điều chỉnh lại hoạt động buôn bán ma túy quốc tế. Tuy nhiên, công chúng còn bảy tỏ sự bất đồng về cách người Trung Quốc đối xử với các nhà ngoại giao Anh và đối với các chính sách thương mại bảo hộ của nhà Thanh Trung Quốc. Đảng Whig kiểm soát chính phủ đặc biệt ủng hộ chiến tranh với Trung Quốc, và báo chí ủng hộ Whig đã in những câu chuyện về "chủ nghĩa chuyên quyền và sự tàn ác của Trung Quốc".

Kể từ tháng 8 năm 1839, các báo cáo chính thức được công bố trên các tờ báo Luân Đôn về những rắc rối tại Quảng Châu và cuộc chiến sắp nổ ra với Trung Quốc. Phát biểu hàng năm của Nữ hoàng tại Thượng Nghị viện vào ngày 16 tháng 1 năm 1840 bày tỏ mối lo ngại rằng "Các sự kiện xảy ra tại Trung Quốc đã làm gián đoạn đến sự giao thoa thương mại của thần dân của ta với quốc gia đó. Ta đã, và sẽ tiếp tục, để mắt một cách nghiêm túc nhất đến một vấn đề ảnh hưởng sâu sắc đến lợi ích của các thần dân và phẩm giá của Vương miện".

Chính quyền Whig Melbourne khi đó đang ở trong tình trạng chính trị yếu kém. Nó hầu như không sống sót sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 31 tháng 1 năm 1840 bởi đa số 21. Đảng Tory xem Câu hỏi Trung Quốc là một cơ hội để đánh bại Chính phủ, và James Graham đã phát động một kiến nghị vào ngày 7 tháng 4 năm 1840 tại Hạ Nghị viện, khiển trách "sự mong muốn có tầm nhìn xa và phòng ngừa" của Chính phủ và "sự làm ngơ của họ trong việc cung cấp cho tổng giám đốc tại Quảng Châu các quyền hạn và chỉ dẫn" để đối phó với việc buôn bán thuốc phiện. Đây là một động thái có chủ ý của những người Tory để tránh các vấn đề nhạy cảm như chiến tranh và buôn bán thuốc phiện và để có được sự hỗ trợ tối đa cho kiến nghị trong đảng. Các lời kêu gọi động thái quân sự gặp phải những phản hồi trái chiều khi được trình bày trước Quốc hội. Bộ trưởng Ngoại giao Palmerston, một chính trị gia nổi tiếng với chính sách đối ngoại táo bạo và sự đồng thuận cho tư tưởng thương mại tự do, lãnh đạo phe chủ chiến. Palmerston tin tưởng rằng số thuốc phiện bị phá hủy phải được coi là tài sản, chứ không phải là hàng lậu, và vì vậy, phải có một khoản bồi thường cho sự huỷ diệt của chúng. Ông biện minh cho hành động quân sự rằng không ai có thể "thành thật tin rằng động cơ của Chính phủ Trung Quốc là thúc đẩy thói quen đạo đức" và rằng cuộc chiến đang được đấu tranh để ngăn chặn thâm hụt cán cân thương mại của Trung Quốc. Sau khi tham khảo ý kiến ​​của William Jardine, bộ trưởng ngoại giao đã soạn thảo một lá thư gửi đến Thủ tướng William Melbourne kêu gọi một cuộc đáp trả quân sự. Các thương nhân khác kêu gọi mở cửa thương mại tự do với Trung Quốc, và người ta thường cho rằng người tiêu dùng Trung Quốc là nhân tố thúc đẩy buôn bán thuốc phiện. Việc trục xuất định kỳ các thương nhân người Anh khỏi Quảng Châu và sự từ chối của chính quyền nhà Thanh đối với Anh như một sự bình đẳng ngoại giao được coi là một sự sỉ nhục đối với niềm tự hào dân tộc của người Anh. Chỉ một loạt các cuộc giao tranh quân sự giữa Vương quốc Anh và nhà Thanh của Trung Quốc tự do ủng hộ chiến tranh. Ngài James Graham, Hầu tước Phillip StanhopeWilliam Ewart Gladstone đứng đầu phe phản chiến ở Anh, và tố cáo sự vi phạm đạo đức của việc buôn bán thuốc phiện. Sau ba ngày tranh luận, cuộc bỏ phiếu đã diễn ra theo kiến nghị của Graham vào ngày 9 tháng 4 năm 1840, bị đánh bại bởi đa số chỉ chênh lệch 9 phiếu (262 phiếu ủng hộ với 271 phiếu chống lại). Do đó, Đảng Tory tại Hạ Nghị viện đã thất bại trong việc ngăn chặn Chính phủ tiến hành chiến tranh và các tàu chiến Anh đang trên đường đến Trung Quốc. Hạ viện đã đồng ý vào ngày 27 tháng 7 năm 1840 về nghị quyết trợ cấp 173.442 Bảng Anh cho các chi phí của cuộc viễn chinh tới Trung Quốc, rất lâu sau khi chiến tranh với Trung Quốc nổ ra.

Quyết định nội các và thư của Palmerston

Dưới áp lực nặng nề và vận động hành lang từ các hiệp hội thương mại và nhà sản xuất khác nhau, nội các Whig dưới thời Thủ tướng Melbourne đã quyết định vào ngày 1 tháng 10 năm 1839 cử một cuộc viễn chinh đến Trung Quốc.[29] Chuẩn bị cho chiến tranh sau đó bắt đầu.

Đầu tháng 11 năm 1839, Palmerston chỉ thị cho Auckland, Toàn quyền Ấn Độ, chuẩn bị lực lượng quân sự để triển khai đến Trung Quốc. Vào ngày 20 tháng 2 năm 1840, Palmerston (người vẫn chưa biết về Trận Xuyên Tỵ lần thứ nhất vào tháng 11 năm 1839) đã viết hai lá thư nêu chi tiết về phản ứng của Anh đối với tình hình ở Trung Quốc. Một lá thư được gửi đến người của Elliot, bức thư kia gửi cho Hoàng đế Đạo Quang và chính quyền nhà Thanh. Bức thư gửi Hoàng đế thông báo cho Trung Quốc rằng Vương quốc Anh đã phái một lực lượng viễn chinh quân sự đến bờ biển Trung Quốc.[30] Trong thư, Palmerston nói rằng,

Những biện pháp thù địch này của Vương quốc Anh đối với Trung Quốc không chỉ hợp lý, mà thậm chí là hoàn toàn cần thiết, bởi sự thiếu tôn trọng của chính phủ Trung Quốc đối với Thần dân Anh, và những sự thù địch này sẽ không chấm dứt, cho đến khi một sự điều đình thỏa đáng được chính phủ Trung Quốc chấp nhận.[30]

Trong bức thư gửi Elliots, Palmerston đã chỉ thị cho các chỉ huy thiết lập một cuộc phong tỏa sông Châu Giang và chuyển cho một quan chức Trung Quốc bức thư từ Palmerston gửi đến Hoàng đế Trung Quốc. Sau đó, họ sẽ tiến hành đánh chiếm quần đảo Chu San, phong tỏa cửa sông Dương Tử, bắt đầu đàm phán với các quan chức nhà Thanh, và cuối cùng đưa hạm đội vào biển Bột Hải, nơi họ sẽ gửi một bản sao khác của bức thư nói trên tới Bắc Kinh. Palmerston cũng đưa ra một danh sách các mục tiêu mà chính phủ Anh muốn đạt được, với các mục tiêu được nêu bao gồm:

  • Yêu cầu phái viên Hoàng gia phải được đối xử một cách tôn trọng bởi chính quyền nhà Thanh.
  • Tổng giám đốc Anh có quyền xét xử các đối tượng người Anh ở Trung Quốc.
  • Đền bù cho hàng hóa đã mất của Anh
  • Có được các lợi ích giao thương tốt nhất với chính phủ Trung Quốc.
  • Yêu cầu quyền cho người nước ngoài được phép cư trú an toàn và sở hữu tài sản riêng ở Trung Quốc.
  • Đảm bảo rằng, nếu hàng lậu bị thu giữ theo luật pháp Trung Quốc, sẽ không có thiệt hại nào đối với người hay đối tượng đã tàng trữ hay vận chuyển món hàng.
  • Kết thúc hệ thống theo đó các thương nhân người Anh bị hạn chế giao dịch chỉ ở Quảng Châu.
  • Yêu cầu các thành phố Quảng Châu, Hạ Môn, Thượng Hải, Ninh Ba và tỉnh phía bắc Đài Loan mở cửa để giao thương với tất cả các cường quốc ngoại bang.
  • Bình định các đảo ngoài khơi Trung Quốc mà có thể dễ dàng được bảo vệ và tiếp tế, hoặc trao trả các đảo đang chiếm giữ để đối lấy các điều khoản giao dịch thuận lợi.

Hầu tước Palmerston để lại cho Tổng Giám đốc Elliot quyết định về cách thực hiện các mục tiêu này, nhưng lưu ý rằng trong khi đàm phán sẽ là kết quả tốt hơn, ông không tin rằng ngoại giao sẽ thành công, có viết;

Để tổng kết lại vài điều trong bản Chỉ thị này, anh sẽ thấy, từ những gì tôi đã bắt đầu, Chính phủ Anh đòi hỏi sự hài lòng của Trung Quốc đối với quá khứ và an ninh cho tương lai; và họ không lựa chọn sự tin tưởng vào đàm phán để có được một trong những điều khoản này; mà họ đã phái một Lực lượng Quân đội và Hải quân với mệnh lệnh được sử dụng các biện pháp cần thiết để lấy được mục tiêu trước mắt.[31]